2024-07-30
Tin tức

Tổng quan về đồ gá tiện & các loại đồ gá trên máy tiện

Đồ gá tiện là dụng cụ không thể thiếu trong quá trình gia công cơ khí. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc định vị và kẹp chặt các chi tiết, đảm bảo độ chính xác và hiệu suất gia công. Hệ thống đồ gá này bao gồm nhiều loại khác nhau, đáp ứng từng nhu cầu cụ thể của sản xuất. Trong bài viết sau, hãy cùng Yamazen Việt Nam tìm hiểu cụ thể về đồ gá tiện và các loại đồ gá trên máy tiện phổ biến hiện nay.

1. Đồ gá tiện là gì?

đồ gá tiện là gì
Đồ gá tiện dùng để định vị và cố định phôi gia công

Đồ gá tiện là dụng cụ được dùng để cố định và định vị phôi trong quá trình gia công trên máy tiện. Chúng giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo độ chính xác và hiệu quả gia công. Thông thường, các loại đồ gá tiện được thiết kế phù hợp với phôi và phương pháp gia công sử dụng.

Tìm hiểu thêm: Toàn bộ thông tin cần biết về đồ gá

2. Cấu tạo cơ bản của đồ gá tiện

Đồ gá tiện được cấu thành từ các bộ phận chính sau đây:

  • Bộ phận kẹp: được dùng để kẹp chặt phôi vào đồ gá. Bộ phận kẹp có nhiều loại khác nhau như kẹp ba chấu, kẹp collet, kẹp lò xo…
  • Bộ phận dẫn hướng: được sử dụng để dẫn hướng phôi trong quá trình gia công. Có thể sử dụng các thanh dẫn hướng, ổ bi…
  • Vỏ đồ gá: làm nhiệm vụ kết nối các bộ phận kẹp và dẫn hướng với nhau.

3. Vai trò của đồ gá tiện

vai trò của đồ gá tiện
Đồ gá tiện giúp đảm bảo độ chính xác và hiệu quả gia công

Đồ gá tiện đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo:

  • Độ chính xác gia công: Đồ gá tiện giúp định vị phôi chính xác, qua đó nâng cao độ chính xác của sản phẩm gia công.
  • Hiệu quả sản xuất: Đồ gá tiện giúp phôi được giữ chắc chắn trong suốt quá trình gia công, từ đó hạn chế rung động và tăng cường năng suất làm việc.
  • An toàn lao động: Đồ gá tiện giúp cố định phôi chắc chắn, từ đó giảm thiểu rủi ro tai nạn lao động với người vận hành máy gia công.

Tìm hiểu thêm: Đồ gá phay trong gia công cơ khí

4. Các loại đồ gá trên máy tiện phổ biến hiện nay

Dưới đây là các loại đồ gá máy tiện đang được sử dụng phổ biến trong các xưởng gia công hiện nay.

4.1. Trục gá cứng hình trụ – kẹp rút

Trục gá cứng hình trụ có thể gia công đường kính Ø350 của cánh bơm. Chi tiết gia công được định vị trên trục gá và được cố định bằng đai ốc. Trục gá cùng chi tiết gia công được lắp trên hai mũi tâm và sử dụng cặp tốc để truyền mô-men xoắn.

4.2. Trục gá đàn hồi

Trục gá đàn hồi dùng để định vị và kẹp chặt chi tiết gia công. Chi tiết gia công được định vị trên trục gá đàn hồi (theo mặt trụ trong) và mặt gờ của thân trục gá, định vị năm bậc tự do. Để kẹp chặt, cần xiết đai ốc, làm cho chi tiết hình côn dịch chuyển về bên trái, khiến trục gá đàn hồi bung ra và kẹp chặt chi tiết. Thân trục gá hình côn được lắp vào trục chính của máy tiện và được kẹp rút từ phía sau trục chính.

4.3. Ống kẹp đàn hồi – dạng collet kẹp

Ống kẹp đàn hồi được sử dụng để định vị và kẹp chặt chi tiết gia công theo mặt trụ ngoài. Chi tiết gia công được định vị trong ống kẹp đàn hồi theo mặt trụ ngoài và tỳ vào mặt đầu của chi tiết, định vị năm bậc tự do. Để kẹp chặt, cần xiết đai ốc để nó dịch chuyển về bên trái, làm cho ống kẹp đàn hồi bị bóp lại và kẹp chặt chi tiết.

4.4. Trục gá với lò xo đĩa

Trục gá với lò xo đĩa dùng để định vị và kẹp chặt chi tiết theo mặt trụ trong. Trục gá bao gồm: thân, vòng chặn, lò xo đĩa, ống kẹp và vít. Khi xiết vít, ống kẹp làm biến dạng các lò xo đĩa theo phương hướng kính để kẹp chặt chi tiết. Thân được lắp vào lỗ côn của trục chính và được kẹp chặt bằng đòn rút ở phía sau trục chính.

4.5. Trục gá tự kẹp chặt bằng một con lăn

Trục gá tự kẹp chặt bằng một con lăn được cấu thành từ: con lăn, miếng đệm, vít hãm, chốt định vị và thân trục gá. Con lăn phải được mài đến khi đường kính bằng đúng đường kính của thân trục gá. Chi tiết gia công được kẹp chặt nhờ lực ly tâm cắt.

4.6. Trục gá tự kẹp chặt bằng ba con lăn

Trục gá tự kẹp chặt bằng ba con lăn nằm cách nhau 120°. Các miếng ngăn cách con lăn được lắp trên thân gá, giữa các miếng ngăn cách này có các con lăn. Trước khi gá chi tiết gia công, các miếng ngăn cách phải quay đi một góc để các con lăn nằm ở vị trí thấp nhất. Sau khi gá xong, dưới tác dụng của lò xo, các miếng ngăn cách con lăn quay ngược lại và con lăn được chêm chặt sơ bộ. Các viên bi và vòng đệm giúp đẩy chi tiết gia công sát vào gờ trái của trục gá khi xiết đai ốc.

4.7. Đồ gá tiện mặt đầu và lỗ

Chi tiết gia công được định vị trên phiến tỳ tròn và phần trụ của trục gá, hạn chế năm bậc tự do. Hai mỏ kẹp kẹp chặt chi tiết. Phần đuôi côn của trục gá được lắp vào lỗ côn của trục chính và được kẹp chặt bằng đòn rút ở phía sau trục chính.

4.8. Đồ gá tiện lỗ ở mặt đầu

Đặc điểm của đồ gá tiện lỗ ở mặt đầu là tâm lỗ được gia công không trùng với tâm lỗ của lỗ định vị chính. Chi tiết gia công được định vị trên phiến tỳ tròn, chốt trụ và chốt tỳ chống xoay, kẹp chặt chi tiết bằng hai mỏ kẹp. Vì tâm quay của chi tiết không trùng tâm định chính nên phải lắp thêm phần đối trọng để tạo cân bằng khi gia công.

4.9. Đồ gá tiện mặt cầu lõm

Khi gia công với đồ gá tiện mặt cầu lõm, chi tiết cần gia công sẽ được gá trên mâm cặp ba chấu của máy tiện. Thân đồ gá được lắp trong ụ động của máy, bánh răng ăn khớp với thanh răng, đuôi thanh răng cùng đài gá dao được gá trên đế. Khi đài gá dao, đế và đuôi thanh răng dịch chuyển vuông góc với tâm trục chính, thanh răng làm cho bánh răng quay theo chiều kim đồng hồ cùng với dao để tạo ra mặt cầu có bán kính chọn trước.

4.10. Mâm cặp

Mâm cặp được dùng để kẹp chặt và cố định các chi tiết gia công. Mâm cặp được gắn vào trục chính của máy tiện thông qua bề mặt côn định vị và ren trên đầu trục chính.

mâm cặp là một loại đồ gá tiện
Mâm cặp Kitagawa

Mâm cặp được chia thành hai loại là mâm cặp tự định tâm và mâm cặp không tự định tâm.

  • Mâm cặp tự định tâm: Loại mâm cặp này kẹp chặt các chi tiết gia công dạng tròn xoay, giúp tâm của chi tiết trùng với tâm của trục chính. Các loại mâm cặp tự định tâm bao gồm mâm cặp 2 chấu, 3 chấu, 4 chấu và 6 chấu. Trong đó, mâm cặp 3 chấu tự định tâm được sử dụng phổ biến nhất.
  • Mâm cặp không tự định tâm: Loại mâm cặp này có các chấu di chuyển hướng tâm độc lập với nhau trong các rãnh của mâm cặp. Mỗi chấu có nửa đai ốc ăn khớp với vít me. Khi vặn vít me, chấu cặp sẽ di chuyển hướng tâm. Mâm cặp không tự định tâm thường được dùng để kẹp chặt các chi tiết không đối xứng hoặc các chi tiết lệch tâm.

Khám phá ngay: mâm cặp Kitagawa & mâm cặp Teikoku Chuck

4.11. Mũi chống tâm

Mũi chống tâm được dùng để gá đặt các chi tiết có độ cứng vững thấp hoặc các chi tiết trục dài có khoan tâm ở hai đầu. Mũi chống tâm gồm bốn loại chính: mũi tâm cố định, mũi tâm xoay, mũi tâm ngược và mũi tâm có khía nhám.

  • Mũi tâm cố định: thường dùng ở ụ động hoặc sau trục chính, phù hợp cho gia công với tốc độ thấp.
  • Mũi tâm xoay: cũng dùng ở ụ động hoặc sau trục chính nhưng phù hợp cho gia công với tốc độ cao hơn.
  • Mũi tâm ngược: là loại không tiêu chuẩn, dùng để gá đặt các chi tiết có kích thước nhỏ và lượng dư cắt gọt ít. Mũi tâm ngược cũng bao gồm cả mũi tâm cố định và mũi tâm xoay.
  • Mũi tâm có khía nhám: được sử dụng khi gia công các chi tiết có hình ống. Mũi tâm này được lắp ở đầu trục chính và mũi tâm hình nón cụt lắp ở ụ động.

4.12. Tốc kẹp

Tốc kẹp là dụng cụ dùng để truyền mô-men quay cho chi tiết gia công được gá trên hai mũi tâm thông qua mâm đẩy tốc hoặc đuôi tốc. Tốc kẹp có hai loại chính là tốc kẹp đuôi thẳng và tốc kẹp đuôi cong.

4.13. Giá đỡ (LuyNet)

Giá đỡ được dùng để tăng độ cứng vững cho chi tiết gia công dạng trụ dài hoặc các chi tiết nặng. Giá đỡ trên máy tiện được chia thành hai loại: giá đỡ cố định và giá đỡ di động.

  • Giá đỡ cố định: dùng để đỡ các chi tiết gia công có kích thước lớn hoặc những chi tiết cần gia công ở mặt đầu hoặc gia công lỗ (khoan, khoét, doa lỗ). Giá đỡ cố định được gắn chặt trên băng máy bằng các bu lông.
  • Giá đỡ di động: dùng để đỡ các chi tiết có kích thước nhỏ và chiều sâu cắt nhỏ. Giá đỡ di động được gắn chặt với bàn xe dao và di chuyển theo bàn máy trong quá trình gia công.

Trên đây là các loại đồ gá tiện phổ biến hiện nay. Việc lựa chọn đồ gá phù hợp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước, hình dạng, vật liệu của chi tiết gia công, quy trình gia công, độ chính xác gia công yêu cầu, lực cắt và lực kẹp… Doanh nghiệp có thể liên hệ với chuyên gia của Yamazen Việt Nam để được tư vấn lựa chọn loại đồ gá đáp ứng đúng nhu cầu của mình.

5. Yamazen Việt Nam – Đơn vị thiết kế và chế tạo đồ gá tiện uy tín, giá tốt

Doanh nghiệp đang tìm kiếm một đơn vị thiết kế và gia công đồ gá tiện uy tín, giá tốt? Hãy đến với Yamazen Việt Nam. Với đội ngũ kỹ sư giàu kinh nghiệm cùng hệ thống máy móc hiện đại, Yamazen Việt Nam cam kết mang đến cho doanh nghiệp những sản phẩm đồ gá tiện đáp ứng mọi yêu cầu, từ đơn giản đến phức tạp.

4 lý do nên lựa chọn đồ gá tiện tại Yamazen Việt Nam

  • Đội ngũ kỹ sư giàu kinh nghiệm: Đội ngũ kỹ sư của chúng tôi có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế và gia công đồ gá tiện. Chúng tôi luôn cập nhật những công nghệ mới nhất để mang đến những giải pháp tối ưu nhất cho doanh nghiệp.
  • Hệ thống máy móc hiện đại: Chúng tôi trang bị hệ thống máy móc hiện đại, tiên tiến nhằm đảm bảo độ chính xác và chất lượng cho mọi sản phẩm đồ gá tiện.
  • Chi phí sản xuất hợp lý: Yamazen Việt Nam luôn mang đến cho doanh nghiệp những sản phẩm đồ gá tiện với mức giá hợp lý nhất, xứng đáng với chất lượng sản phẩm doanh nghiệp nhận được.
  • Dịch vụ tận tình, chuyên nghiệp: Yamazen Việt Nam cung cấp dịch vụ thiết kế và gia công đồ gá tiện trọn gói, từ khâu tư vấn lựa chọn, thiết kế sản xuất đến khâu hỗ trợ trong suốt quá trình sử dụng sản phẩm.

Yamazen Việt Nam chắc chắn sẽ là đối tác tin cậy của mọi doanh nghiệp trong lĩnh vực cung cấp đồ gá tiện theo yêu cầu.

Liên hệ với Yamazen Việt Nam ngay hôm nay để được tư vấn và báo giá đồ gá tiện chi tiết nhất!

5/5 - (1 vote)